Connect with us
img

Favorite News

Trung Quốc đang “chơi rắn” với Mỹ?

Trung Quốc đang “chơi rắn” với Mỹ?

BẢN TIN TÀI CHÍNH

Trung Quốc đang “chơi rắn” với Mỹ?

[ad_1]

Sau hơn một năm đàm phán với Mỹ mà không đạt kết quả, Trung Quốc có vẻ như đã sẵn sàng “chơi rắn” với đối thủ trong cuộc thương chiến đang leo thang từng ngày. Ngoài việc giảm tỷ giá Nhân dân tệ, Trung Quốc còn được cho là đã dừng việc mua nông sản Mỹ.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 5/8 hạ tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, khiến tỷ giá đồng tiền này tại thị trường cả trong và ngoài Trung Quốc đại lục đồng loạt rớt quá 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD – một ngưỡng tỷ giá quan trọng mà giới quan sát tin là Bắc Kinh đã cố gắng bảo vệ trong 10 năm qua.

“Vũ khí hóa” Nhân dân tệ?

Việc Nhân dân tệ tụt giá được xem là một bước đi có chủ đích của Trung Quốc để chống lại ảnh hưởng của kế hoạch áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột công bố vào tuần trước.

Vào buổi chiều ngày thứ Hai, tỷ giá Nhân dân tệ tại Trung Quốc đại lục dao động quanh ngưỡng 7,0304 tệ đổi 1 USD. Tại thị trường ngoài đại lục, tỷ giá này dao động quanh 7,0807 tệ đổi 1 USD.

“Đây là một trong những kịch bản xấu nhất. Thị trường bán tháo, và đến ngày mai, không loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ có động thái nào đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa”, ông Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính khu vực châu Á của ngân hàng Rabobank ở Hồng Kông nhận xét với hãng tin Bloomberg.

“Tôi tin chắc đây là một sự trả đũa mà trước đây Trung Quốc đã cố gắng tránh sử dụng đối với Mỹ”, ông Claudio Piron, trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá và ngoại hối thuộc Bank of America Merrill Lynch Global Research, phát biểu trên CNBC.

Nhiều chuyên gia khẳng định việc PBoC hạ tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ là một lý do quan trọng kéo tỷ giá đồng tiền này trên thị trường tụt dốc. Theo ông Piron, việc PBoC đặt tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ rẻ hơn nhiều so với mức 6,9 tệ đổi 1 USD cho thấy Trung Quốn “muốn nắm thế kiểm soát tình hình”. Mức tỷ giá tham chiếu của ngày 5/8 là 6,9225 tệ/USD.

“Việc mốc 7 bị phá là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp lại: chiến tranh thương mại leo thang, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, và việc PBoC dường như sẵn sàng để cho tỷ giá biến động mạnh hơn”, ông Larry Hu, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thuộc Macquarie Securities ở Hồng Kông, nhận định với Bloomberg.

“PBoC đang ở trong một tình huống chưa từng có tiền lệ, nên họ sẽ phải kiểm soát kỹ lưỡng các kỳ vọng”, ông Hu nói.

Về phần mình, PBoC bày tỏ tin tưởng có khả năng giữ tỷ giá Nhân dân tệ cơ bản ổn định. Trong một tuyên bố đăng tải trên website, PBoC cho rằng đồng nội tệ của Trung Quốc đang sụt giá mạnh chẳng qua là do chủ nghĩa bảo hộ và thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Nhưng theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics ở Singapore, bằng cách liên hệ sự mất giá ngày 5/8 của Nhân dân tệ với thương chiến, PBoC “về cơ bản đã vũ khí hóa tỷ giá”. “Việc họ dừng bảo vệ mốc 7 cho thấy họ đã chấm dứt hy vọng về một thỏa thuận thương mại”.

Tuy nhiên, việc để cho tỷ giá Nhân dân tệ suy yếu không phải không đi kèm rủi ro đối với Trung Quốc. Hồi giữa năm 2015, một vụ phá giá Nhân dân tệ đã khiến giới đầu tư thoái vốn ồ ạt khỏi nước này.

Ngoài ra, Nhân dân tệ trượt giá mạnh cũng có thể dẫn tới những động thái trừng phạt mới của ông Trump, người liên tục cảnh báo rằng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc còn có thể tăng cao hơn.

Trung Quốc không “mềm” với Mỹ nữa?

Bên cạnh đó, theo chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Wang Tao thuộc ngân hàng UBS, thiệt hại lớn nhất mà thương chiến Mỹ-Trung gây ra là cú sốc đối với hoạt động kinh doanh và niềm tin, thay vì chính bản thân thuế quan. Vì lý do này, Nhân dân tệ giảm giá khó bù đắp được ảnh hưởng của thương chiến đối với kinh tế Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải nhiều bài viết với một tín hiệu chung rằng nước này sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ nếu thuế quan trừng phạt vẫn còn hoặc Bắc Kinh buộc phải nhượng bộ trong những vấn đề mang tính nguyên tắc.

Giới quan sát đánh giá rằng Trung Quốc có vẻ như đang đánh giá ông Trump không đáng tin cậy để ký một thỏa thuận thương mại. Bắc Kinh cũng có thể đang cho là họ nên đợi cho tới khi một Tổng thống của Đảng Dân chủ lên cầm quyền ở Mỹ mới ký kết thỏa thuận thương mại.

Theo nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty quốc doanh của nước này dừng việc mua hàng hóa nông sản Mỹ và chờ xem đàm phán thương mại sắp tới sẽ diễn biến ra sao. Giá ngô và đậu tương giao sau ở Mỹ ngay lập tức giảm khi có tin này.

Khi công bố thỏa thuận “đình chiến” với Trung Quốc hồi đầu tháng 7, ông Trump đã nói nhiều về việc Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa nông sản Mỹ. Sau đó, ông đã nhiều lần “nổi đóa” vì cho rằng Trung Quốc chưa thực hiện lời hứa này, còn phía Trung Quốc chỉ nói “chuẩn bị” mua thêm nông sản Mỹ. Nguồn tin là quan chức ở Bắc Kinh gần đây nói với Bloomberg rằng Trung Quốc không hề hứa mua thêm nông sản trước khi hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng.

Theo các chuyên gia, bằng việc dừng mua nông sản Mỹ, Trung Quốc muốn thể hiện rõ quan điểm không mềm mỏng với Mỹ thêm nữa.

“Trung Quốc đang từ bỏ chiến lược ngoại giao mềm mỏng và không muốn tiếp tục làm bao cát cho ông Trump thoải mái đấm đá nữa”, chuyên gia Chua Hak Bin thuộc Maybank Kim Eng Research nhận xét. “Lời đe dọa thuế quan của ông Trump đang phản tác dụng và dẫn tới một cuộc chiến thương mại tổng lực”.

Một số chuyên gia kinh tế khuyên nhà đầu tư nên “chờ xem”. “Chúng tôi muốn chờ xem liệu phía Mỹ sẽ nhìn nhận như thế nào về các động thái của Trung Quốc, bởi ông Trump luôn chỉ trích Trung Quốc phá giá đồng tiền”, chuyên gia Vishnu Varathan thuộc Mizuho Bank nói với CNBC.

Ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng tiền, nhưng chính quyền ông đến nay vẫn chưa “dán nhãn” nước này là một quốc gia thao túng tỷ giá.

[ad_2]

Source link

Continue Reading
You may also like...

More in BẢN TIN TÀI CHÍNH

To Top
error: Content is protected !!