BẢN TIN TÀI CHÍNH
Sự thật phũ phàng là Mỹ có rất ít công cụ để khiến đồng USD yếu đi như Trung Quốc
[ad_1]
Đầu năm 2018, trước những vị giám đốc điều hành và chính trị gia ở Davos, Steven Mnuchin – Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã đưa mình vào rắc rối khi phát biểu điều hiển nhiên: một đồng USD yếu hơn sẽ giúp ích cho các nhà sản xuất của Mỹ xuất khẩu sản phẩm của họ.
Ông Mnuchin đã nói về sự hoài nghi của mình đối với chính sách được điều hành bởi các chính quyền của cả 2 đảng trong hơn 2 thập kỷ, cụ thể là khi thị trường muốn đồng USD mạnh hơn thì Bộ Tài chính nên “ra mặt”. Bởi vậy, cũng như các Bộ trưởng Tài chính tiền nhiệm, ông phải làm rõ, xác minh về cam kết của mình đối với một đồng USD mạnh.
Hôm thứ Hai, cuối cùng thì ông Mnuchin cũng được phát biểu một cách thoải mái, tuyên bố rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ để có được lợi thế cạnh tranh không công bằng, có nghĩa là đồng USD đang được định giá quá cao so với NDT. Bộ Tài chính Mỹ hiện giờ không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc bằng lời về chính sách cho một đồng USD mạnh.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa được ngay lập tức làm rõ về những gì Mỹ có thể làm đối với đồng nội tệ mạnh của họ. Động thái thuyết phục từ Tổng thống Trump và Bộ trưởng bộ Tài chính dường như cũng không có hiệu quả. Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn đối với bộ Tài chính khi giải quyết vấn đề này nếu không có sự trợ giúp từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và những ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Bằng nhiều lời nói với những “cấp độ” khác nhau kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã thúc giục ông Mnuchin và Robert Lighthizer – đại diện thương mại Mỹ, phải mạnh tay hơn đối với tỷ giá hối đoái của đồng USD đối với NDT. Gần đây, ông cũng bày tỏ sự thất vọng về giá trị của đồng USD.
Tuyên bố dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho phép đồng NDT trượt xuống dưới ngưỡng 7 đổi 1 USD. Brad Setser, một quan chức Bộ Tài chính dưới thời ông Obama và hiện là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã gọi động thái này là một “sự leo thang được khuyếch đại trên diện rộng”. Điều đó cho thấy không chỉ có Nhà Trắng đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.
Chuck Schummer, người đứng đầu đảng Dân chủ tại Thượng viện do đảng Cộng hoà lãnh đạo, đã kêu gọi hành động đối với đồng NDT vào hôm thứ Hai. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren – ứng viên đảng Dân chủ chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống, đã đưa ra lời hứa về một đồng USD yếu hơn trong chiến dịch của bà. Nhưng chiến dịch của bà Warren không hề nêu cụ thể loại công cụ nào sẽ giúp làm giảm giá trị của đồng USD. Và điều này thể hiện một vấn đề: không có công cụ hữu hiệu nào!
Ông Setser nhận định: “Đồng USD đang được định giá quá cao, bởi Mỹ là nền kinh tế phát triển duy nhất hiện nay có một ngân hàng trung ương cho phép mức lãi suất cao hơn 0 đáng kể.”
Chỉ số đồng USD theo trọng số thương mại (broad real trade-weighted dollar) – một chỉ số của Fed theo dõi giá trị của đồng USD so với tiền tệ của các đối tác thương mại, đã tăng cao hơn vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nới lỏng chính sách tiền tệ trong khi Fed thì đi ngược lại với con đường ấy. Sau khi chạm đỉnh vào tháng 12/2016 thì chỉ số này vẫn ổn định ở mức cao.
Nếu Nhà Trắng, Bộ Tài chính và một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ muốn tác động lên đồng USD, thì họ sẽ cần sự can thiệp của Fed – có thể làm đồng USD yếu đi bằng cách hạ lãi suất một cách quyết liệt hơn. Cho đến nay, đồng USD đã không tuân theo ý muốn nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Sau khi quyết định hạ lãi suất được đưa ra vào tuần trước thì giá trị đồng USD so với các đồng tiền tệ khác lại tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 2 năm. Đà tăng của đồng USD tiếp tục diễn ra khi các ngân hàng trung ương bắt đầu (hoặc phát tín hiệu) nới lỏng chính sách tiền tệ khi lãi suất của họ đã ở hoặc gần sát mức 0.
Fred Bergsten, cựu quan chức Bộ Tài chính, lập luận rằng cơ quan này có thể thực hiện việc mua vào có mục tiêu đối với những đồng tiền tệ cụ thể để nâng giá trị của chúng. Ông gọi đó là chính sách “can thiệp tiền tệ đối kháng trực tiếp” và nói rằng đó có thể là một hành động “răn đe kiểu hạt nhân” – một mối de doạ để các ngăn các quốc gia khác thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, để biện pháp này hiệu quả, công cụ răn đe của Bergsten sẽ phải hoạt động hiệu quả hơn so với việc đi thuyết phục – đó là tuyên truyền tốt hơn, làm rõ những ý tưởng về tiền tệ. Cho đến nay, sự nhất quán mà ông Bergsten khuyến nghị vẫn chưa xuất hiện. Thị trường tiền tệ hiểu rằng chỉ bằng những dòng chia sẻ trên Twitter thì vẫn chưa thể báo hiệu cho sự thay đổi nào trong chính sách tiền tệ.
Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế tại Đại học California, cho hay: “Những tuyên bố được ông Trump đưa ra liên tiếp dường như chỉ có tác dụng nhất thời nếu không có những thay đổi thực tế trong chính sách. Tương tự, sự can thiệp của Bộ Tài chính đối với thị trường ngoại hối, được hỗ trợ bằng cách sử dụng những nguồn lực của Quỹ Ổn định Hối đoái. Những điều này chỉ có hiệu quả lâu dài nếu được hỗ trợ bằng những thay đổi trong các chính sách khác bên cạnh Fed.”
Michael Bordo, một nhà sử học tiền tệ và là giáo sư kinh tế tại Đại học Rutgers ở New Jersey, băn khoăn rằng Washington đang cố gắng giải quyết vấn đề gì. Ông nói: “Lý do khiến đồng USD không yếu đi là vì đó là nơi trú ẩn an toàn và các nhà đầu tư vẫn nắm giữ đồng USD trong thời điểm tình hình trên toàn thế giới đang bất ổn.”
[ad_2]
Source link