BẢN TIN TÀI CHÍNH
Nhân dân tệ lao dốc
[ad_1]
Đà lao dốc của nhân dân tệ trong thời gian gần đây làm sống lại một trong những lời chỉ trích ưa thích của ông Trump: Bắc Kinh cố tình phá giá nhân dân tệ để hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
Tính đến thứ 6 tuần trước, CFETS RMB Index, chỉ số theo dõi tỷ giá nhân dân tệ so với đồng nội tệ của 24 đối tác thương mại đã giảm ngày thứ 13 liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 1/2015.
Nhân dân tệ đã giảm giá ngày thứ 13 liên tiếp so với đồng nội tệ của 24 đối tác thương mại. Nguồn: Bloomberg.
Mặc dù giới phân tích cho rằng nhân dân tệ giảm giá chủ yếu là do tâm trạng của nhà đầu tư chịu tác động tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đợt thuế quan mới của Mỹ, đà giảm của nhân dân tệ lại xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi các cuộc đàm phán thương mại rơi vào bế tắc.
Tổng cộng kể từ đầu tháng đến nay đồng nhân dân tệ ở hải ngoại (CNY – nhân dân tệ giao dịch ở Hồng Kông) đã giảm gần 3%, trở thành đồng tiền có diễn biến tệ nhất châu Á. Đồng nhân dân tệ giao dịch trên thị trường đại lục cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2019 phá mốc 6,9.
NHTW Trung Quốc (PBOC) đang cố gắng kìm hãm đà giảm của đồng nội tệ, ít nhất là về mặt lời nói. Trên website của PBOC hôm qua đăng tải cuộc phỏng vấn được tờ Financial News thực hiện với đại diện của PBOC cho biết Trung Quốc có nhiều công cụ chính sách mạnh mẽ để có thể đối phó với các biến động của thị trường ngoại hối.
Mặc dù các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới giúp Trung Quốc có được “tấm đệm đỡ” quan trọng, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng là một bài kiểm tra dành cho Chủ tịch tập Cận Bình – người trong tháng trước vừa cam kết sẽ không thực hiện những đợt phá giá đồng nội tệ làm tổn hại đến các quốc gia khác.
Ngoài ra nhân dân tệ giảm giá cũng sẽ kéo theo những tác động tiêu cực: gây áp lực khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp đưa tiền ra nước ngoài, sau đó PBOC sẽ phải trích một phần trong số 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá.
Đồng nội tệ lao dốc còn khiến người tiêu dùng không muốn chi tiêu trong khi các doanh nghiệp mất đi động lực đầu tư, theo các chiến lược gia Lu Sun và Gaurav Garg của Citigroup. Cũng theo hai chuyên gia này, những nhà đầu tư nước ngoài – vốn đã tăng cường tích lũy cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong những năm gần đây – sẽ tăng cường bán ra nếu mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD bị phá vỡ. Dòng vốn ngoại sụt giảm trong bối cảnh Trung Quốc thâm hụt cán cân vãng lai sẽ càng khiến sức ép giảm giá lên nhân dân tệ gia tăng.
Trong vài năm gần đây, nhân dân tệ giảm giá thường đi kèm với sự sụt giảm trên TTCK Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg.
Và chắc hẳn nhà đầu tư vẫn chưa thể quên được “cơn địa chấn” khiến TTCK toàn cầu hoảng loạn năm 2015, khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và kích hoạt làn sóng bán tháo ồ ạt.
Ngoài ra hoàn toàn có thể xảy ra kịch bản các đối tác thương mại của Trung Quốc cũng giảm giá đồng nội tệ của họ để hỗ trợ xuất khẩu.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
[ad_2]
Source link