BẢN TIN TÀI CHÍNH
G20 ở Osaka và những điểm nhấn
[ad_1]
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng vẫn còn một số bất đồng trong các vấn đề chủ chốt như chống chủ nghĩa bảo hộ và chống biến đổi khí hậu.
Khép lại hai ngày thảo luận sôi nổi, trong tuyên bố chung tại lễ bế mạc chiều 29/6, các lãnh đạo G20 đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về những nguyên tắc cơ bản ủng hộ một “hệ thống thương mại và đầu tư tự do, nhằm đảm bảo thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể đoán trước và ổn định”, đồng thời nhất trí sử dụng “mọi công cụ chính sách” để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những nguy cơ xấu và đạt tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện. Các thành viên G20 đều nhất trí thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cùng với một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ để tạo “các thị trường mở và một sân chơi công bằng cho mọi quốc gia”.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều rủi ro xuất phát từ những căng thẳng và bất đồng giữa các nền kinh tế lớn, việc các thành viên G20 nhất trí thúc đẩy thể chế thương mại tự do, công bằng và không phân biệt có thể coi là một điểm nhấn quan trọng có tác động “định hướng” cho hoạt động giao thương toàn cầu trong tương lai. Quan trọng hơn, kết quả này cho thấy các nền kinh tế G20 có thể đạt đồng thuận trong những vấn đề lớn nếu các bên đều có trách nhiệm đối với vai trò “chèo lái” nền kinh tế thế giới.
Điểm nhấn thứ hai tại hội nghị lần này liên quan đến nền kinh tế số – nền kinh tế của thế kỷ 21. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Osaka, ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về lưu chuyển tự do và tin cậy của dữ liệu. Số hóa đang làm thay đổi mọi khía cạnh của các nền kinh tế và xã hội, và việc sử dụng hiệu quả số hóa sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội ở tất cả các nước. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích mà kinh tế số mang lại, rất cần xây dựng các quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này. Chính vì tầm quan trọng của kinh tế số như vậy, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố khởi động Osaka Track, thúc đẩy các cuộc thảo luận chính sách về việc xây dựng các quy tắc quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các khía cạnh thương mại của thương mại điện tử.
Điểm nhấn thứ ba tại hội nghị là Tầm nhìn Đại dương Xanh Osaka.Các thành viên G20 đã nhất trí chấm dứt việc thải rác nhựa ra các đại dương vào năm 2050. Đây cũng là điểm sáng của hội nghị, một lần nữa thể hiện vai trò đi đầu của G20 đối với vấn đề cấp bách đang là thách thức đe dọa môi trường sống của cả hành tinh này
Một trong những điểm nhấn lớn của hội nghị G20 tại Osaka là “thỏa thuận đình chiến thương mại” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tại cuộc gặp bên lề. Đây là kết quả mà giới doanh nhân mong chờ nhất từ cuộc gặp này, sau khi cuộc chiến thuế trong một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu. Thế giới cảm thấy dễ thở hơn khi hai nhà lãnh đạo nhất trí hoãn thực thi các kế hoạch áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa của nhau để các nhà đàm phán thương mại hai bên sẽ có thêm thời gian tìm điểm chung và đi đến một thỏa thuận thương mại song phương có thể cứu thế giới thoát khỏi một cơn “đại hồng thủy” về thuế.
Hội nghị G20 năm nay cũng ghi nhận nhiều cuộc gặp, hội đàm và tiếp xúc song phương bên lề giữa lãnh đạo các quốc gia, tạo cơ hội giúp giải quyết nhiều vấn đề giữa từng nước. Đáng chú ý trong số này là cuộc gặp được đánh giá là “trong bầu không khí rất xây dựng” giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga Vladimir Putin với nhất trí cần cải thiện mối quan hệ song phương vì lợi ích chung của hai bên, cũng như của cả thế giới. Cũng tại Osaka, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đạt một thỏa thuận 10 điểm nhằm cùng thúc đẩy phát triển bền vững mối quan hệ song phương. Trong khi đó, Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí không để thương vụ S-400 ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước đồng minh . Ông Trump cũng đã có cuộc hội đàm “có ý nghĩa quan trọng” với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bối cảnh giữa hai nước đang tồn tại nhiều bất đồng như vấn đề thuế quan và mua vũ khí của Nga.
G20 năm nay là năm thứ hai các nhà lãnh đạo đã không nhắc tới cụm từ “chống chủ nghĩa bảo hộ” vào tuyên bố chung cuối hội nghị, dù thừa nhận rằng “căng thẳng thương mại và địa chính trị đang gia tăng”. Đây được xem là một bước dung hòa quan điểm để có thể tìm được tiếng nói chung giữa các nền kinh tế G20 trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng nhiều biện pháp bảo hộ thương mại, như các cuộc chiến thuế quan nhằm vào Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)… nhằm thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”. Kết quả này đã được dự báo trước bởi vấn đề liên quan tới chủ nghĩa bảo hộ là bất đồng then chốt và luôn gây chia rẽ giữa các nền kinh tế G20 kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền năm 2017.
Liên quan đến mục tiêu chống biến đổi khí hậu, hội nghị lần này chưa đạt đột phá. Cũng giống như hội nghị G20 lần thứ 13 hồi tháng 12/2018 ở Argentina, Mỹ đã không đồng ý với bất kỳ cam kết nào về giảm khí thải CO2. Chỉ có 19 nền kinh tế thành viên còn lại đã nhất trí sự “không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, và cam kết thực thi đầy đủ, bất chấp việc Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi văn kiện này.
Diễn ra vào năm đánh dấu 20 năm thành lập G20, có thể nói Hội nghị thượng đỉnh Osaka đã có những thành công nhất định, dù chưa trọn vẹn. Đúng như Thủ tướng Abe phát biểu trước hội nghị, ông muốn tổ chức một hội nghị “với trọng tâm là những vấn đề mà chúng tôi có thể nhất trí và hợp tác với nhau, hơn là làm nổi bật những bất đồng”. Trong bối cảnh giữa các nền kinh tế thành viên G20 vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt về lợi ích, thậm chí là xung đột lợi ích, những điểm đồng thuận mà các nhà lãnh đạo đạt được năm nay đã phần nào chứng minh vai trò của G20 như một cơ chế đối thoại và phối hợp hành động nòng cốt trong giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. G20 đã và đang trở thành “sợi dây kết nối” để các nền kinh tế trao đổi, bày tỏ quan điểm, dung hòa khác biệt, cùng tìm kiếm tiếng nói chung để cùng đối phó với những thách thức chung, từ đó đem lại lợi ích chung.
[ad_2]
Source link