BẢN TIN TÀI CHÍNH
Công ty nhỏ bé ít ai biết đến ở Hà Lan nhưng sở hữu cỗ máy độc quyền khiến cả Mỹ và Trung Quốc thèm khát, là át chủ bài của làng công nghệ thế giới
Một số trong những cỗ máy quan trọng nhất của ngành công nghệ thế giới đang được sản xuất ra tại 1 nhà máy nằm cạnh những cánh đồng ngô ở Hà Lan. Nhưng chính phủ Mỹ cố gắng đảm bảo chắc chắn rằng những cỗ máy này sẽ không thể đến được Trung Quốc.Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang gây sức ép lên chính phủ Hà Lan để các công ty Trung Quốc được phép mua sản phẩm được săn lùng nhiều nhất của ASML Holdings: cỗ máy quang khắc sử dụng ánh sáng tia cực tím UEV. Hiện chỉ duy nhất có thể ASML sản xuất loại máy móc tân tiến nhất thế giới này. Chúng được sử dụng bởi những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung hay TSMC để làm ra những con chip được gắn trong mọi thứ, từ những chiếc smartphone đời mới nhất và các thiết bị 5G cho đến trong công nghệ trí thông minh nhân tạo. Trung Quốc muốn mua những chiếc máy có giá 150 triệu USD này cho các công ty chip nội địa, để các nhà sản xuất điện thoại như Huawei hay nhiều tập đoàn công nghệ khác có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn chưa thể mua được chiếc nào bởi vì Hà Lan – dưới áp lực của Mỹ – vẫn chưa cấp phép cho ASML xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo một số quan chức Mỹ, chính quyền Biden yêu cầu Hà Lan làm như vậy do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Từ thời Trump, Mỹ đã xác định được giá trị chiến lược của loại máy móc nói trên và tiếp cận với chính phủ Hà Lan. Washington vẫn trực tiếp nhằm vào các công ty Trung Quốc như Huawei và cũng cố gắng thuyết phục các nước đồng minh hạn chế sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất với lý do gián điệp. Tuy nhiên, sức ép mà Mỹ áp đặt lên ASML và Hà Lan đặc biệt mạnh mẽ hơn và báo hiệu về 1 cuộc chiến tranh lạnh trên diện rộng. Mới đây CEO Peter Wennink của ASML đã lên tiếng cảnh báo các lệnh giới hạn xuất khẩu có thể gây ra tác dụng ngược. “Nếu xét trên bình diện an ninh quốc gia, hạn chế xuất khẩu là 1 công cụ có thể sử dụng. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện chiến lược quốc gia nhằm dẫn đầu ngành chip, các chính phủ cần phải suy nghĩ thấu đáo về chuyện nếu quá lạm dụng các công cụ như vậy sẽ làm thui chột sự sáng tạo trong trung hạn bởi vì hoạt động R&D bị kìm hãm”. Ông bổ sung thêm rằng “sản lượng của ngành chip toàn cầu có thể sụt giảm và những rắc rối trên chuỗi cung ứng sẽ trở nên trầm trọng hơn”. Vụ việc đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Hà Lan trở nên căng thẳng. Các lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên chất vấn phía Hà Lan tại sao lại không cấp giấy phép xuất khẩu. Thậm chí năm ngoái cựu đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan phát biểu trên báo chí rằng quan hệ thương mại giữa 2 nước sẽ bị tổn hại nếu như ASML tiếp tục bị chặn đường. Chưa đầy 1 tháng sau khi ông Biden nhậm chức, cố vấn an ninh quốc gia của ông là Jake Sullivan đã có cuộc trò chuyện với người đồng cấp ở Hà Lan về “sự hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực công nghệ cao” giữa hai nước. Tiếp tục hạn chế mối quan hệ làm ăn của ASML với Trung Quốc chính là hạng mục đứng đầu danh sách những việc cần làm của ông Sullivan. Năm 2019, phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là Charles Kupperman đã mời các nhà ngoại giao Hà Lan tới Nhà Trắng và nhắc nhở “đồng minh tốt sẽ không bán loại thiết bị như vậy cho Trung Quốc”. Ông Kupperman cũng chỉ ra rằng các máy móc của ASML sẽ không thể hoạt động nếu không có các linh kiện của Mỹ, và Nhà Trắng có thể ra lệnh hạn chế xuất khẩu những linh kiện đó sang Hà Lan nếu cần thiết. Các chuyên gia trong ngành lo ngại Mỹ đang cố gắng thôi thúc các đồng minh ở phương Tây cùng thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu. Điều đó sẽ làm xáo trộn chuỗi cung ứng chip toàn cầu vốn đang trong cơn khủng hoảng. ASML chính thức tách ra khỏi tập đoàn Royal Philips từ những năm 1990. Công ty có trụ sở đặt tại Veldhoven, vùng gần biên giới với Bỉ. Chuyên ngành của ASML là quang khắc, công nghệ sử dụng ánh sáng để khắc lên những bề mặt nhạy cảm với ánh sáng. Công nghệ quang khắc có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà sản xuất chip. Điều đặc biệt của ASML chính là công ty này làm ra những cỗ máy có thể tạo ra những con chip nhỏ nhất thế giới. Những cỗ máy to lớn đến nỗi để vận chuyển sẽ cần tới 3 chiếc Boeing 747 sẽ sử dụng tia laser và những tấm gương để tạo ra những đường kẻ chỉ rộng 5 nanomet và theo dự kiến sẽ giảm xuống còn chưa đến 1 nanomet trong vài năm nữa. Để dễ hình dung, 1 sợi tóc người cũng rộng đến 75.000 nanomet. Các đối thủ của ASML như Canon và Nikon hiện chỉ có thể sản xuất những cỗ máy đời cũ hơn. Nhận ra tầm quan trọng của ASML, năm 2012 Intel, Samsung và TSMC đã mua cổ phiếu của công ty Hà Lan. ASML đặt kế hoạch sản xuất 42 cỗ máy tân tiến nhất trong năm nay và nâng con số lên 55 chiếc vào năm tới. Năm 2020, Trung Quốc đóng góp 17% tổng doanh thu của ASML tuy nhiên chỉ toàn là những cỗ máy đời cũ. Không có những chiếc máy đời mới nhất, các nhà sản xuất chip của Trung Quốc sẽ không thể làm ra những con chip hiện đại nhất trừ khi trong nước có thể làm ra cỗ máy tương tự. CEO Wennink cho biết lệnh giới hạn xuất khẩu sang Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ASML vì nhu cầu ở các nơi khác rất cao. Năm ngoái ASML đạt doanh thu kỷ lục 16,5 tỷ USD và lợi nhuận vào khoảng 4,1 tỷ USD. Trong 5 năm qua, cổ phiếu của hãng tăng giá gấp 7. Một nghiên cứu cho thấy Trung Quốc hiện đang bị tụt hậu khoảng 10 năm so với công nghệ của ASML đã thôi thúc chính quyền Trump bắt đầu vận động Hà Lan đi đến quyết định hạn chế xuất khẩu, một nguồn tin thân cận cho biết. Tham khảo Wall Street Journal
Source link